Việt Nam chiếm 1/3 thị trường hồ tiêu toàn thế giới nhưng vẫn phải nhập hồ tiêu chất lượng cao về để xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đề cập đến một thực tế mang tính nghịch lý này ở Hội nghị Thường niên của Ngành tại TP.HCM vào ngày 20/5/2016.
Hồ tiêu tăng giá
VPA cho biết tính đến hết tháng 4, Việt Nam xuất khẩu được gần 70.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch gần 562 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và trên 9% về giá so với cùng kỳ 2015. Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân là 7.680 USD/tấn, giảm 1.100 USD/tấn; tiêu trắng là 11.500 USD/tấn, giảm 1.084 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, cả nước đã cơ bản thu hoạch xong vụ hồ tiêu năm 2016. Trong tháng 4, 5 thị trường hồ tiêu bắt đầu sôi động do có biến động mạnh về giá. Nếu trong tháng 2, 3 giá hồ tiêu chỉ khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg thì sang tháng 5 giá đã tăng vọt lên 160.000 đồng/kg và tiếp tục tăng dần đều đến nay khoảng 180.000 đồng/kg.
Giá tiêu của Việt Nam trên thị trường thế giới trong tháng 5 này cũng tăng nhẹ trở lại từ 3 – 5% so với tháng 3. Hiện giá tiêu đen xuất khẩu trên 8.000 USD/tấn và tiêu trắng là 11.550 USD/tấn.
Theo VPA, năm nay dự báo tiếp tục sẽ là một năm ngành Hồ tiêu gặp nhiều thuận lợi về cả giá và sản lượng. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng hiện nay ngành Hồ tiêu có thể gặp khó khăn về dài hạn do tăng trưởng nóng, mất kiểm soát.
Thế giới cảnh báo về chất lượng
Theo VPA, ngành Hồ tiêu đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam không ngừng được mở rộng, trung bình từ 10 – 20% mỗi năm. Sự tăng trưởng này dẫn đến nhiều rủi ro về giống, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên…, bên cạnh đó giá tiêu đang duy trì ở mức cao từ năm 2014 đến nay làm cho nông dân càng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong việc chăm sóc nhằm tăng năng xuất. Chính vì vậy mà chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.
Hiện nay Việt Nam chiếm 32% thị phần hồ tiêu thế giới. Nước xếp thứ 2 là Ấn Độ chỉ khoảng 18% (đặc điểm tiêu dùng nội địa là chính). Tiếp theo là Indonesia 16%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập hồ tiêu chất lượng cao về để xuất vào thị trường Nhật, mặt khác sản phẩm của Việt Nam vào châu Âu cũng rất ít so với các nước khác. Thậm chí theo ông Đỗ Hà Nam, các Hiệp hội Gia vị châu Âu, Mỹ, Canada đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu Việt Nam ngày một tăng. “Hồ tiêu đang đứng trước nguy cơ lớn, cần được ngành Nông nghiệp quyết liệt xử lý, nếu không thời gian tới ngành Hồ tiêu sẽ không thể phát triển”, ông Nam kiến nghị.